Nghề nuôi rắn ráo trâu (còn gọi hổ vện, hổ trâu, hổ hèo...) đang rất hấp dẫn với nhiều người nuôi loại rắn này. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu về con giống cho người nuôi, rắn thương phẩm cho các nhà hàng và cả thị trường xuất khẩu thì nguồn cung vẫn còn hạn chế. Nắm bắt tình hình trên, từ đầu năm 2010, tại khu vực ấp Sa Tô, xã Khánh Bình, huyện An Phú (An Giang), một trang trại rắn ráo trâu được dựng lên nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
- Bằng sự nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin về thị trường tiêu thụ cùng với sự đam mê con rắn ráo trâu, anh Nguyễn Hoàng Quốc Việt đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng nên một trang trại rắn ráo trâu thật bài bản. Anh Việt cho biết, mặc dù trại rắn của anh mới thành lập hơn một năm mà đã có hàng trăm bà con từ các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM và cả Hà Nội đến tham quan, mua con giống và các nhà hàng cũng tìm đến đặt mua rắn thương phẩm khá lớn.
- Trại rắn của anh nằm bên một dòng sông sát biên giới, bên kia là huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandal - Campuchia. Nhờ đất vườn rộng rãi nên việc chăn nuôi đối với anh rất thuận lợi. Công việc tiến hành khá suôn sẻ nhờ anh có một khoảng thời gian nuôi rắn ri voi. Theo anh Việt so sánh, nuôi rắn ráo trâu sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát số lượng rắn bố mẹ và tỉ lệ nở, sinh trưởng của đàn rắn con. Còn rắn ri voi thì rất khó biết được tỉ lệ hao hụt vì phải nuôi trong môi trường nước. Vả lại rắn ri voi rất hung dữ và kén mồi hơn. Do đó mà kể từ đầu năm 2010, anh Việt đã bắt đầu chuyển hẳn sang nuôi rắn ráo trâu.
- Ban đầu anh đi thu gom rắn của bà con ở địa phương nuôi nhưng không hiệu quả, được hơn chục cặp bố mẹ. Để chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài, ngay từ khi chuẩn bị thành lập trang trại, anh Việt đã chủ động tìm đến Chi cục Kiểm lâm An Giang để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký “Trại gây nuôi sinh sản – nuôi sinh trưởng động vật hoang dã” và đã được chấp thuận ngay sau đó. Đây có lẽ là điều động viên khích lệ những người có ham thích với nghề nuôi động vật hoang dã như anh. Bên cạnh đó, vừa tạo điều kiện dễ dàng cho người nuôi trong việc mua bán, vận chuyển động vật hoang dã, vừa có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.
- Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận, anh Việt không ngừng tự mày mò qua sách báo và các tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và xây dựng chuồng trại đúng quy cách. Hiện tại nhiều nhà hàng, quán ăn đã đến trang trại của anh thu mua rắn với giá khá cao, từ 600.000đ – 700.000 đ/kg nhưng không đủ để bán. Do đó, một vài bà con nông dân ở hai huyện An Phú và Tân Châu (An Giang) đã nuôi ráo trâu cho sinh sản và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ.
- Theo kinh nghiệm của anh Việt, loài rắn ráo trâu dễ nuôi, mau lớn, ít bệnh tật, đầu ra lại ổn định. Nếu chăm sóc đúng theo hướng dẫn thì chỉ sau 6 tháng là rắn trưởng thành và khoảng 1 năm tuổi, rắn sẽ tự bắt cặp (phối giống) và bắt đầu đẻ, mỗi lứa khoảng 10 trứng, nhiều nhất là 20 trứng. Sau khi rắn đẻ xong, người nuôi cho tất cả trứng vào riêng một cái thùng hoặc khạp có đổ cát hoặc giẻ khô để ấp, mặt đậy kín giữ ấm. Sau hai tháng, trứng sẽ nở đạt tỉ lệ từ 85 – 95%. Qua theo dõi của anh Việt, rắn ráo trâu mỗi năm đẻ hai lần, thường bắt cặp vào tháng chạp và đẻ nhiều vào tháng 2, 3 hoặc giữa năm.
- Chuồng nuôi rắn có nhiều dạng, chuồng xi măng hoặc chuồng lưới. Trại rắn của anh Việt chia làm 6 khu riêng biệt, tất cả đều được xây bằng gạch khá kiên cố và các vách xung quanh được bao lưới để có tạo môi trường thông thoáng cho rắn sinh hoạt. Ngoài ra để giữ cho chuồng trại sạch sẽ và tiện chi việc phân loại cỡ rắn, anh Việt đều có khu dành riêng cho rắn đẻ, rắn lứa, rắn con và rắn thương phẩm... Đặc biệt, mỗi chuồng đều có lót vỉ tre hoặc lưới sao cho mát, sạch và êm để rắn nghỉ ngơi. Thức ăn chính của rắn là động vật như ếch, nhái, chuột hoặc các phế phẩm từ gia súc, gia cầm (đặc biệt là đầu gà).
- Theo kinh nghiệm của nhiều người, rắn đực và cái nên nhốt chung một chuồng. Nhưng sau một thời gian cần phải tách ra theo kích cỡ lớn nhỏ riêng để tránh việc giành ăn có thể gây ra thương tích lẫn nhau. Nhất là trong thời kỳ giao phối, rắn đực rất hung dữ khi kiếm bạn tình. Do đó nên bố trí mỗi chuồng theo tỉ lệ 1đực/2 cái. Riêng rắn con mới nở phải được nhốt riêng. Rắn giống hiện nay có giá từ 200.000 – 400.000đ/con, tùy theo ngày tuổi. Tính ra, nuôi rắn ráo trâu lợi nhuận cao hơn nuôi rắn ri voi và các loài động vật hoang dã khác, nhất là nuôi rắn cho sinh sản, lợi nhuận sẽ còn cao hơn nhiều.
- Chỉ mới hơn một năm phát triển mà trang trại của anh Việt đã gầy dựng trên 200 rắn bố mẹ, 300 rắn lứa và nhiều rắn con mới nở. Đó là chưa kể số rắn thương phẩm và rắn giống đã bán ra trên 600 con. Anh cho biết, hiện nay con giống đang khan hiếm, trang trại duy nhất của anh ở An Giang không đủ cung cấp cho các hộ nuôi và các nhà hàng. Đây là loại động vật hoang dã nên việc nuôi và thuần dưỡng ráo trâu, ngoài lợi nhuận ra còn góp phần bảo tồn nguồn gen động vật quý hiếm. Mặc dù được cấp giấy phép nhưng ước mơ của anh là cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của chính quyền và các ngành chức năng về hành lang pháp lý để anh yên tâm mở rộng chuồng trại.
Mô hình nuôi rắn ráo trâu quy mô trang trại
Nguồn: Khuyến nông An Giang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét