Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012
Kỹ thuật nuôi rắn Ráo Trâu(rắn long thừa) sinh sản
- Là kỹ sư hóa, giảng viên Trường ĐH nông lâm TP.HCM, nhưng anh Đoàn Kim Sơn (ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) lại rất đam mê với nghề chăn nuôi động vật hoang dã.
- Anh Sơn cho biết ngay từ khi còn là sinh viên, anh đã biết cho ếch sinh sản. Hồi mới đầu, nghề sinh sản ếch Thái Lan được xem như ăn nên làm ra. Song cũng chỉ được một hai năm, sau đó nhiều người cho sinh sản, con giống không đảm bảo, người chăn nuôi quay lưng với ếch giống, ếch sản xuất ra không bán được. Đang loay hoay chưa biết nuôi con gì để giải quyết số ếch tồn đọng, tình cờ một hôm anh đi qua tỉnh Bình Dương, có một người dân gạ bán cho 2 cặp rắn ráo với giá 100.000 đồng. Họ nói nếu không mua thì sẽ mang về làm thịt để ngâm rượu. Thấy tiếc, anh quyết định mua về nuôi thử. Hàng ngày anh bắt ếch con cho rắn ăn. Nhờ chăm sóc tốt, rắn lớn nhanh, sau 6 tháng rắn mẹ đã bắt đầu đẻ trứng. Lần đầu do anh thiếu kinh nghiệm, tỷ lệ trứng nở chưa cao. Anh phải lặn lội học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trước, tìm kiếm thông tin trên sách báo áp dụng cho trại rắn của mình. Nhờ chịu khó cần cù, anh không những nuôi tốt mà còn cho rắn đẻ và cho ấp nở đạt tỷ lệ cao. Đến nay cơ sở của anh trở thành nơi chuyên sản xuất rắn giống và rắn thương phẩm cung cấp cho thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
- Anh Sơn cho hay, rắn ráo không độc, dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là ếch, nhái, chuột. Anh Sơn cho biết: “Trước đây người dân thường xây chuồng bằng gạch, làm như vậy chi phí sẽ cao và tốn nhiều diện tích. Bây giờ nên làm chuồng bằng kệ gỗ, chuồng được chia thành nhiều ngăn (giống ngăn đựng thuốc bắc), mỗi ngăn nuôi 2 con”. Muốn cho rắn sinh sản, trước hết phải biết phân biệt con đực và con cái bằng cách quan sát hình dáng bên ngoài: con cái thân hình tròn, màu sắc bóng mượt; con đực thân hình gần giống tam giác, đuôi to.
- Rắn nuôi được 1 năm là đẻ. Để chuẩn bị cho rắn đẻ, cần nhốt chung mỗi ngăn 2 con gồm 1 đực, 1 cái. Mỗi năm rắn đẻ 2 lứa, lứa đầu từ tháng 6 - 7 âm lịch; lứa thứ hai từ tháng 11 - 12 âm lịch, mỗi lứa con cái đẻ từ 15 - 16 trứng.
- Để làm phòng ấp, anh chuẩn bị sẵn những thùng xốp kích thước 40 x 50 cm, đổ cát dày 20 cm. Sau khi rắn đẻ, thu trứng mang vào xếp vào thùng, sau đó lấp cát lên cao 30 cm. Nhiệt độ thích hợp cho trứng nở là 280C. Lưu ý trong thời gian ấp (65 ngày) phải có nhiệt kế để theo dõi. Nếu trời nắng nóng phải tưới nước vào cát hoặc quạt gió để hạ bớt nhiệt độ, nếu trời lạnh có thể dùng bóng điện thắp sáng để tăng nhiệt. Ấp theo phương pháp này, tỷ lệ trứng nở đạt từ 90 - 95%, ấp tốt có thể đạt 98%. Sau khi rắn con nở 3 ngày, bắt đầu cho ăn ếch con (nòng nọc), rắn lớn cho ăn ếch to. Sau 15 ngày là có thể xuất bán giống, giá bán rắn giống hiện nay là 120.000 đồng/con, rắn thương phẩm bán 760.000 đồng/kg.
- Anh Đoàn Kim Sơn không chỉ cho sinh sản rắn ráo trâu, mà còn nghiên cứu cho sinh sản nhiều loại động vật hoang dã sinh sản như kỳ đà, chồn hương, heo rừng lai, rắn ri voi… Anh còn mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.
- Nhờ nghề cho sinh sản rắn ráo trâu và các động vật hoang dã khác, hàng năm anh Đoàn Kim Sơn có thu nhập hàng tỷ đồng. Hiện nay trang trại của anh, một năm sản xuất hàng vạn con giống các loại đạt chất lượng tốt. Con giống của anh có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc rõ ràng nên người nuôi yên tâm trong quá trình vận chuyển và tiêu thụ.
Kỹ thuật sinh sản rắn Ráo Trâu
Nguồn: Sưu tầm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét